Nông dân làm du lịch

Chúng tôi tìm đến không gian Bamboo House (ngôi nhà tre) của ông Trần Văn Hùng ở làng Trà Nhiêu (thôn Trà Đông, xã Duy Vinh, H.Duy Xuyên, Quảng Nam) khi vị chủ nhân 64 tuổi vừa hoàn thành một số sản phẩm lưu niệm bằng tre, lá dừa. Những gốc, thân tre sần sùi qua tay ông đều trở thành những sản phẩm độc đáo, có hồn.

Khách nước ngoài trải nghiệm đan chiếu tại làng Trà Nhiêu

Từ những năm 1990, để tự cứu nghề truyền thống này, ông Hùng đưa các thiết kế nhà tre, mái lá vào resort, nhà hàng, khu du lịch, quán xá ở TP.Hội An và TP.Đà Nẵng. Dù không qua trường lớp đào tạo bài bản nào, song những mẫu thiết kế không gian xanh của ông luôn làm nhiều người hài lòng, trong đó có cả người nước ngoài khó tính. Đến nay, ông đã thiết kế, thi công không gian xanh cho hàng trăm nhà hàng, khách sạn, resort…

PV Thanh Niên trò chuyện với ông Trần Văn Hùng

Gần 30 năm trước, khách Tây đã quan tâm đến du lịch xanh và tỏ ra ấn tượng với những điểm đến có không gian xanh, gắn với làng nghề và các giá trị văn hóa bản địa.

"Tình cờ một lần tôi dẫn một số du khách nước ngoài về thăm làng Trà Nhiêu, thấy họ thích thú khi trực tiếp trải nghiệm nghề truyền thống, nếp sống làng chài. Từ những ý kiến đánh giá của họ, tôi nghĩ ngay đến chuyện làm du lịch. Bởi vùng đất Trà Nhiêu hoàn toàn có thể đáp ứng tốt tiêu chí du lịch xanh trải nghiệm, không kém những "vệ tinh" khác của vùng lõi Hội An", ông Hùng nhớ lại.

Thế rồi, ông Hùng dựng lại mấy chòi tranh để đón khách. Làm du lịch trong bối cảnh những năm 90 thế kỷ trước ở một vùng quê, dường như là chuyện không tưởng. Nhưng cuối cùng, ông đã biến ý tưởng thành hiện thực. Nay thì không gian Bamboo House do ông Hùng thiết kế đón từ 200 - 300 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm mỗi ngày…

Những ngày đầu đón khách, ông Hùng chẳng nghĩ nhiều đến chuyện tiền bạc. Ông xem họ là bạn, khách đến nhà phải trà nước tử tế. Ở quê có gì hay thì dẫn họ đi thăm. Từ rừng dừa đến các hộ làm nghề chiếu cói, đan lưới, nghe hát hò khoan, rồi lội bùn bắt ngao, kéo rớ, quăng lưới bắt cá, mò cua. Về nhà thì đổ bánh xèo, nấu nướng mấy món dân dã…

Vậy mà khách thích! Cứ cuối tuần, họ lại kéo theo nhóm bạn vào thăm, rồi thành "điểm đến". Du khách đến với làng Trà Nhiêu chủ yếu là khách Tây, nên buộc một nông dân chân đất như ông cũng phải mò mẫm học thêm tiếng Anh.

Kéo khách về vùng ven

Những nguồn thu đầu tiên từ du khách chủ yếu là khoản phí ăn uống, sinh hoạt. Dần dà, thông qua sự kết nối với các đơn vị lữ hành, du khách biết đến Trà Nhiêu nhiều hơn. Sự tiếp đón cũng chu đáo hơn, nguồn thu nhập riêng cũng gia tăng và nguồn "lãi" lớn nhất chính là vùng đất Trà Nhiêu được định vị trên bản đồ du lịch.

Ông Hùng bên trong không gian Bamboo House do ông tạo dựng

"Chính nguồn thu từ du lịch đã giúp đời sống của bà con được tăng lên, nhiều làng nghề nổi tiếng dần được phục hồi để phục vụ du khách", ông chủ Bamboo House nói.

Khách đến ngày càng đông, ông Hùng cũng sớm thay đổi cách thức phục vụ cho "chuyên nghiệp" hơn. Ông chủ động sửa sang nhà cửa, bố trí lại các không gian phòng khách, nhà bếp, nơi lưu trú, làm thêm các sản phẩm lưu niệm độc đáo để khách mua về làm quà.

"Hiện nay, du lịch tìm lại cội nguồn đang trở thành "thương hiệu" lớn, thu hút khách Tây. Người nước ngoài rất thích được trải nghiệm những làng nghề đặc trưng, nấu món ăn truyền thống…", ông Hùng nói.

Ông còn liên kết với 5 hộ làm chiếu, 4 hộ kéo rớ, 3 hộ chèo thuyền bắt cá trên sông, 3 chủ thuyền thúng cùng vài nhóm ngành nghề khác đủ để tạo nên chuỗi liên kết để khách tham quan, trải nghiệm. Giờ đây, ông Hùng chỉ cần ở nhà, nhận khách qua điện thoại, nắm lịch trình và lên kế hoạch tiếp đón.

Ông Trần Văn Hùng sáng tạo những sản phẩm từ tre để bán cho du khách

Đang trò chuyện thì ông Hùng xin phép tạm dừng để chạy vội ra cổng đón đoàn khách nước ngoài hơn 20 người. Sau khi tiếp đón nhanh tại không gian Bamboo House, ông dẫn đoàn người đi trải nghiệm kéo rớ trên sông, dệt chiếu… rồi tiếp tục quay trở về trổ tài tráng mì, làm bánh xèo.

Ông Kimberley Rigoll (55 tuổi, du khách đến từ Úc) cho hay gia đình ông có 5 người theo tour du lịch ngắn ngày đến Việt Nam lần này. Tận tay đan những tấm chiếu hay chế biến các món ăn Việt Nam giúp các thành viên trong gia đình ông có những trải nghiệm thú vị.

"Không gian xanh, yên bình với những người dân mến khách là kỷ niệm đẹp, đáng nhớ nhất đối với chúng tôi trong chuyến du lịch này. Nếu có dịp quay lại Việt Nam, chúng tôi cũng sẽ chọn Trà Nhiêu làm điểm dừng chân", ông Kimberley Rigoll chia sẻ.

Bà Trần Thị Phải (62 tuổi, ở thôn Trà Đông, xã Duy Vinh) cho hay du lịch đang giúp người dân làng Trà Nhiêu có thêm thu nhập, một số ngành nghề truyền thống được gìn giữ, phát huy được giá trị. "Nhờ ông Hùng mà nhiều làng nghề truyền thống tưởng chừng như mai một đã được phục hồi. Ông Hùng kéo khách về Trà Nhiêu không chỉ để cho riêng ông ấy mà nhiều người dân khác đều cùng hưởng lợi", bà Phải chia sẻ.

Để phục vụ du khách nước ngoài tốt hơn, ông Hùng cẩn trọng chia sẻ kinh nghiệm cho các hộ dân đã liên kết trong tour của mình. Từ chỗ bỡ ngỡ ban đầu, các hộ này giờ đã kịp bắt nhịp, để cùng vun vén cho du lịch xanh vùng quê Trà Nhiêu.

Không gian xanh, yên bình với những người dân mến khách là kỷ niệm đẹp, đáng nhớ nhất đối với chúng tôi trong chuyến du lịch này. Nếu có dịp quay lại Việt Nam, chúng tôi cũng sẽ chọn Trà Nhiêu làm điểm dừng chân.

Ông Kimberley Rigoll (du khách đến từ Úc)